Bài Viết / Articles

ĐẠI HỘI ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM LẦN THỨ VI TẠI ĐÀI LOAN – CUỘC HÒA ÂM KỲ DIỆU!

Võ Quê

     Từ ngày 14.11 đến 16.11.2024. Các tổ chức âm nhạc truyền thống: Trường Âm nhạc Phượng Ca (Pháp), Đoàn Văn nghệ Tre Việt (Canada), Nhóm Tri âm Hòa điệu (Mỹ), Trung tâm Âm nhạc Phương Bảo (Việt Nam), Nhóm Hiếu Văn Ngư (Việt Nam) và các nghệ sĩ tài danh, những người làm quản lý, nghiên cứu văn hóa: Phương Oanh, Võ Như Lan (Pháp), Lê Kim Uyên, Diệu Trinh, Hồng Mai, Phương Mai (Canada), Thanh nga, Ngọc Mỹ, Thúy Vân, Mỹ Ngọc, Wu Láng, Huỳnh Hà (Mỹ), Thanh Lê (Đức), Phương Bảo, Ngọc Châu, Minh Khai, Nguyễn Thanh, Ngọc Thúy, Lục Phạm Quỳnh Nhi, Võ Quê (Việt Nam) đã gặp nhau trong Đại hội Âm nhạc Truyền thống lần thứ VI tại Đại học Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan National Taiwan University of Arts.

       Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam do nghệ sĩ Lê Thị Kim (Kim Uyên), là một nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng người Việt, hiện là Giám đốc Trung Tâm Cộng Đồng Người Việt tại Mississauga, Canada khởi xướng thành lập vào tháng 7 năm 2011; được tổ chức cứ mỗi hai năm một lần luân phiên khắp nơi trên thế giới, nhằm mục đích để bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống Việt Nam tại hải ngoại.

     Đại Hội lần thứ I đã diễn ra vào năm 2011 tại Toronto – Canada; lần thứ II vào năm 2013 tại Seattle – USA; lần thứ III vào năm 2015 tại Sydney& Melbourne-Australia; lần thứ IV vào năm 2017 tại Paris -France; lần thứ V vào năm 2019 tại Westminster California-USA và Đại Hội lần thứ VI đã được tổ chức tại Đài Loan bằng sự phối hợp tổ chức với Đại học Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan – Taipei National University of the Arts (TNUA).

     Ngày đầu tiên của Đại Hội (14.11.2024) đã diễn ra trong tinh thần thân tình, đoàn kết, hữu nghị. Đại Hội đã được chào đón Giảng sư Lư Văn Nhã, Viện trưởng Nhạc viện Nhạc viện Đài Bắc, Giảng sư Giản Tú Trân, Trưởng khoa Âm nhạc Cổ truyền, Giảng sư Lương Chí Nhất… Lễ khai mạc Đại hội tiến hành thuận lợi, thành công mỹ mãn do có sự phối hợp tổ chức nhịp nhàng của Đại hội và TNUA thông qua Lục Phạm Quỳnh Nhi và Giảng sư Yu-Han-Su. Không khí cởi mở, văn nghệ đã dần chan hòa, trìu ái. Điều này được thể hiện rõ nét qua phần Learn Vietnamese and Taiwanese Folk Song. Dàn nhạc dân tộc Việt Nam – Đài Loan cùng tiếng đồng ca bản Thất Cú Thi, giai điệu Liu U Sang Xê Cống đã hòa thanh trong sự đồng điệu, đồng cảm, đồng tình.

     Phần độc tấu cổ cầm bản “Tráng sĩ hành” của Giảng sư Lương Chí Nhất trong sáng nay cũng đã tạo ấn tượng tốt cho tôi. Năm 1998, khi đến Đài Loan lần đầu tiên với GS. TS Nguyễn Thuyết Phong, Lệ Hoa, Trần Thảo, Thu Hằng để giới thiệu nghệ thuật Ca Huế chúng tôi đã được chụp chung ảnh với cổ cầm nhưng chưa được nghe trình tấu. Nay được thưởng thức cổ cầm qua sự biểu diễn điêu luyện của giảng sư Lương Chí Nhất tôi vô cùng thích thú, ngưỡng mộ. Âm thanh cổ cầm quyến rũ, ngân nga, có thể gây mê hoặc ngay cả khi người nghe chưa am hiểu.  Sự tĩnh lặng và thiền định thường được xem là cần thiết để chơi và thưởng thức cổ cầm một cách trọn vẹn, giúp người chơi hòa mình vào bản nhạc.  Sự giao hòa giữa âm nhạc và tâm hồn chính là điều mà cổ cầm mang lại cho người thưởng thức, biến họ thành những tri âm, tri kỷ trong văn hóa âm nhạc cổ truyền.

     Mỗi tác phẩm nhạc cổ cầm thường gắn với một sự tích, một nội dung mang tính xã hội, thế sự có chiều sâu nhân văn tăng thêm sức nặng và sự cuốn hút. Ví dụ như bản Cao Sơn Lưu Thủy liên quan đến tình bạn tri âm, bản Quảng Lăng Tán gắn với khí tiết của Kê Khang, Tráng sĩ hành vừa hùng khí, hào sảng, vừa ai oán, bi thương. Cổ cầm không chỉ là nhạc cụ mà còn chứa đựng văn hóa và triết lý sâu sắc của Trung Hoa, liên kết với các khía cạnh như thiên nhân hợp nhất, ngũ hành…

     Sang ngày thứ hai của Đại hội (15.11.2024) là chương trình dành cho các hoạt động Seminar, Workshop, Talk Show:

     *Seminar: Đã có 6 chương trình seminar và tôi chỉ được dự các chuyên đề của Lục Phạm Quỳnh Nhi, người sáng lập Nhóm Hiếu Văn ngư – Clutural Fish (Việt Nam) giới thiệu nghệ thuật Hát Bội Việt Nam; Nghệ sĩ Lê Thanh giới thiệu tính độc đáo của đàn Bầu Việt Nam. Điều thú vị bất ngờ là Seminar có tiêu đề “Âm nhạc truyền thống vang vọng trong nhạc bolero Việt Nam như thế nào?” do một nghiên cứu sinh Đài Loan thuyết trình. Diễn giả này cho biết ông đã có nhiều năm nghiên cứu dòng nhạc bolero tại Việt Nam để làm đề tài tiến sĩ. Ông rất thú vị khi phát hiện tại Việt Nam các nghệ sĩ đã sử dụng các nhạc cụ truyền thống như tranh, tỳ bà, đàn nguyệt, đàn bầu trong các bản nhạc bolero.

     *Worksop: Đã có 5 chuyên đề thực hiện như: Nghệ sĩ Phương Oanh, Như Lan, Võ Quê: Cố đô Huế và nghệ thuật Ca Huế; Nghệ sĩ Nguyễn Thanh: Đàn tỳ bà Việt Nam và cách hướng dẫn người học; Nghệ sĩ Phương Bảo: Giới thiệu một số phương pháp lên dây đàn tranh dân gian và sáng tác mới trên đàn tranh Việt Nam; Nghệ sĩ Kim Uyên: Những sáng tác mới cho đàn tranh và cách áp dụng thang âm truyền thống; Nghệ sĩ Thanh Nga: Kinh nghiệm học nhạc cụ dân tộc Việt Nam, đặc biệt là đàn nguyệt.

     *Talk show: Lục Phạm Quỳnh Nhi chủ trì: Làm thế nào để bảo tồn di sản văn hóa (kinh nghiệm của cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài).

     Các chương trình trên đã tạo ra không khí giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa các nghệ sĩ và khán giả. Hình ảnh các giảng viên, sinh viên Đài Loan chăm chú lắng nghe, ghi chép, đặt câu hỏi, thẳng thắn, thân tình trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm, về công việc truyền bá, giảng dạy, biểu diễn… âm nhạc truyền thống Việt Nam với các nghệ sĩ tâm huyết tài hoa Việt Nam đến từ nhiều nước đã thành những thước phim đẹp, thân ái trong ký ức tôi. Tôi cảm nhận âm nhạc truyền thống Việt Nam đang dần khẳng định vị trí quan trọng trong lòng công chúng, nhất là giới trẻ giữa cuộc sống đương đại.

     Bên cạnh các chương trình trên, chúng tôi may mắn được nghe Yun-Han-Su, thạc sĩ, giảng sư TNUA độc tấu đàn tỳ bà (pipa). Theo tư liệu của Ban tổ chức Đại hội “Yun-Han-Su từ lâu đã cống hiến hết mình để truyền lại âm nhạc pipa truyền thống và kết hợp lịch sử của nó. Cô tập trung vào các biểu hiện tự nhiên và năng động của ngôn ngữ pipa; tích cực tham gia biểu diễn và khám phá nhiều tác phẩm pipa. Thông qua sự hợp tác liên quan đến các thể loại âm nhạc và sự ứng tác khác nhau, Yn-Han-Su đã dần phát triển chiều sâu âm nhạc độc đáo và quan điểm văn hóa của riêng mình, cũng như mạo hiểm vào sáng tác nhạc. Cô phản ánh về di sản và bối cảnh hiện đại của âm nhạc pipa thông qua quá trình tích lũy thực hành liên tục và biện chứng lập đi lập lại. Cô đã và sẽ tiếp tục làm như vậy”.

     Ngày thứ hai của Đại hội Âm nhạc Truyền thống Việt Nam lần thứ VI đã khép lại với một buổi biểu nghệ thuật âm nhạc Đài Loan vô cùng đặc sắc do Đại học Nghệ thuật Quốc gia Đài Bắc thực hiện. Những nghệ sĩ trẻ tài hoa Đài Bắc đã cho tôi nhận thức sâu sắc hơn về đại nhạc của Bắc Quảng, về tiểu nhạc của Nam Quảng.

     Tiểu nhạc (Nanguan) và đại nhạc (Beiguan) là hai loại hình âm nhạc truyền thống của Trung Quốc, mỗi loại mang đến cảm nhận và nét đẹp nghệ thuật riêng. Tiểu nhạc, thường được biết đến với những giai điệu nhẹ nhàng, du dương, chủ yếu được chơi trong các hoạt động lễ hội hoặc tiệc tùng. Nhạc cụ như đàn tranh, tiêu, hoặc đàn cổ cầm… thường được sử dụng, tạo ra âm thanh thanh thoát, thích hợp cho bầu không khí tĩnh lặng và tâm linh, phản ánh các giá trị văn hóa và triết lý sâu sắc của dân tộc .

     Đại nhạc (Beiguan) biểu diễn quy mô lớn hơn, thường đi kèm với các nghi lễ hoặc sự kiện lớn. Âm nhạc trong đại nhạc mạnh mẽ, rộn ràng và sôi động, với sự tham gia của nhạc cụ kèn bầu (kèn đại), kèn lỡ (kèn trung), trống đại, trống chiến, xập xỏa (não bạt)… tạo nên không khí phấn khởi, đoàn kết trong đời sống. Điều này không chỉ thể hiện tài năng nghệ thuật mà còn phản ánh truyền thống cộng đồng và các nghi lễ cung nghinh, tôn giáo.

     Cả hai loại hình này đều đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển văn hóa âm nhạc truyền thống Trung Quốc, phản ánh tinh thần và nhân cách của con người thông qua nghệ thuật.

     Từ sáng đến chiều ngày thứ ba của Đại hội Âm nhạc Truyền thống Việt Nam (16.11.2024) ban tổ chức bố trí chương trình ôn luyện các tiết mục nghệ thuật, tổng duyệt chương trình sẽ được biểu diễn (Public concert) trong đêm bế mạc.

     Nhìn cảnh tất bật, vất vả, chăm chút kỹ lưỡng trong từng góc cạnh sân khấu của những người sinh viên nam nữ trẻ trung lo việc hậu đài, âm thanh, ánh sáng… bên cạnh sự chuẩn bị tinh tươm những tiết mục âm nhạc truyền thống của các nghệ sĩ Việt Nam, các bạn diễn giảng sư, sinh viên Đài Bắc, tôi càng trân quý sự tổ chức nhịp nhàng của những nhà điều hợp chương trình Đài – Việt; kính trọng sự ưu ái, hữu nghị của Ban giám đốc TNUA, khâm phục tinh thần vì nghệ thuật của hầu hết các nghệ sĩ tham gia Đại hội.

     Chương trình biểu diễn được xây dựng với 15 tiết mục, xếp theo thứ tự gồm:

     1) Hòa tấu “Ngũ đối thượng”, nhạc cung đình Huế, tiết mục này với sự tham gia biểu diễn các nghệ sĩ Việt Nam và Đoàn nhạc Tài Nữ Tài Tử Đài Loan. 2) Nghệ sĩ Thanh Lê độc tấu đàn bầu Dân ca ba miền. 3) Nhạc tài tử: Lưu thủ, Bình bán vắn, Kim Tiền do Đoàn nhạc Tài Nữ Tài Tử Đài Loan biểu diễn. 4) Hò Mái nhì, Lý tình tang do nghệ sĩ Kim Uyên, Võ Quê trình bày. 5) Nghệ sĩ Nguyễn Thanh độc tấu đàn tỳ bà bài “Niềm tin”. 6) Nhạc tài tử: “Thủ Tây Thi tẩu mã” và ca khúc “Quê mẹ” của tác giả Thu Hồ do Đoàn Văn nghệ dân tộc Tre Việt, Canada biểu diễn. 7) Nghệ sĩ Phương Bảo độc tấu đàn tranh bài “Hội Xuân”. 8) Nhạc cải lương, bản “Vọng phu lang” do nhóm Tri âm hòa điệu (Mỹ) trình bày. 9) Nghệ sĩ Kim Uyên (đàn nguyệt), Diệu Trinh (đàn tranh) song tấu bản Lộng điệp. 10) Đoàn nhạc Tài nữ Tài Tử Đài Loan hòa tấu nhạc tài tử Văn Thiên Tường. 11) Nghệ sĩ Yun-Han-Su độc tấu đàn tỳ bà Nhạc cổ, bản truyền phổ phái Bình Hồ “Bình Sa Lạc Nhạn”. 12) Ngẩu hứng hòa tấu đàn Tranh, đàn Tỳ bà và đàn Bầu. Đây là tiết mục biểu diễn hoàn toàn ngẫu hứng mà không có sự chuẩn bị trước của các nghệ sĩ. Khán giả được thưởng thức những khoảnh khắc hòa quyện của âm nhạc Việt Nam và Đài Loan qua sự phối hợp của các Nghệ sĩ Phương Bảo, Nghệ sĩ Kim Uyên, Nghệ sĩ Nguyễn Thanh, Nghệ sĩ Tô Quân Hàm (Su, Yun-Han). 13) Nghệ sĩ Kim Uyên độc tấu đàn Tranh bài “Bâng khuâng”. 14) Hợp tấu dân ca Đài-Việt bản “Thất Cú Thi” Li U Xang Xê Cống, lời Việt của Nhạc sĩ Lê Thương, Nghệ sĩ Kim Uyên soạn cho đàn tranh. 15) Hợp tấu bản “Tẩu mã”. Hai tiết mục sau cùng này do các nghệ sĩ Việt Nam và Đoàn nhạc Tài Nữ Tài Tử Đài Loan hợp tấu.

     Khi về lại Canada, Nghệ sĩ Diệu Trinh đã viết thư gửi cho nhạc hữu, trong đó có đoạn ghi nhận về chương trình biểu diễn này: “Từ việc chuẩn bị sân khấu, kết nối âm thanh, sắp xếp ánh sáng, mọi chi tiết đều được kiểm soát rất tỉ mỉ. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt lúc mở màn và kết thúc của các em sinh viên bên trong hậu trường sẽ làm chúng tôi mãi mãi khắc ghi trong ký ức một biểu tượng tinh thần thân ái tuyệt vời của người dân Đài Loan.

     Một khoảnh khắc đặc biệt không thể nào quên là màn trình diễn nhạc cổ truyền Việt Nam bởi các em sinh viên trẻ Đài Loan trong những chiếc áo dài Việt Nam duyên dáng. Cảnh tượng này đã biến tôi từ một người biểu diễn thành một khán giả say mê, tràn đầy sự ngưỡng mộ và tôi rất trân quý khoảnh khắc đó…”.

       Qua những ngày dự Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần thứ VI tại Đài Loan, chúng tôi vô cùng trân trọng, khâm phục trước việc các nghệ sĩ đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật âm nhạc dân tộc Việt Nam, đặc biệt với các nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà… Chúng tôi được biết chính họ thường tổ chức các buổi biểu diễn, hội thảo, và lớp học, nhằm giới thiệu và giảng dạy nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam cho cộng đồng trong nước và quốc tế.

     Ngoài ra, các nghệ sĩ tâm huyết, tài hoa ấy còn tạo ra các bản phối mới, kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và các thể loại hiện đại, qua đó mở rộng đối tượng khán giả và làm phong phú thêm trải nghiệm âm nhạc. Việc sử dụng các nền tảng trực tuyến cũng giúp các nghệ sĩ kết nối với nhau và chia sẻ kiến thức, kỹ năng, từ đó nâng cao và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Sự hiện diện của âm nhạc dân tộc trong không gian nghệ thuật toàn cầu không chỉ góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam mà còn tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp cận và gìn giữ di sản văn hóa này.

     Cũng tại Đại Hội này, chúng tôi cảm nhận sâu sắc về sự yêu thích âm nhạc truyền thống của tuổi trẻ Đài Loan. Sự yêu thích ấy đã phản ánh một nhu cầu kết nối với bản sắc văn hóa và nguồn cội dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ ngày nay. Nhiều bạn trẻ muốn khám phá và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống qua âm nhạc. Họ tìm cách hòa trộn âm nhạc cổ truyền vào đời sống hiện đại, giúp nó trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn với thế hệ mới. Các nghệ sĩ trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc làm mới âm nhạc truyền thống, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật vừa giữ gìn bản sắc, vừa phù hợp với thị hiếu hiện đại.

    Đại hội Âm nhạc Truyền thống lần thứ VI không chỉ là một sự kiện mang tính nghệ thuật mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Khi dự đại hội, người tham dự đã được cảm nhận những giai điệu trong trẻo, sâu lắng của các nhạc cụ truyền thống biểu diễn một cách tuyệt kỹ các bài bản Nhã nhạc, Dân ca, Ca Huế, Cải lương…

     Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn không chỉ xuất sắc trong việc thể hiện nghệ thuật mà còn bộc lộ niềm đam mê và tâm huyết với âm nhạc dân tộc. Họ khéo léo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giúp khán giả trẻ hiểu và yêu hơn những giá trị văn hóa dân tộc. Tình cảm sâu sắc mà đại hội mang lại không chỉ là niềm tự hào về văn hóa dân tộc mà còn là cơ hội để mọi người giao lưu, chia sẻ và lan tỏa tấm lòng yêu nước, yêu quê hương trong từng giai điệu. Âm thanh tuyệt vời, kỳ diệu của nhạc cụ dân tộc tạo nên một không gian đầy cảm xúc, khiến mọi người không khỏi xúc động khi nhớ về quê hương và tổ tiên. Nghệ sĩ Phương Oanh đã rất tâm đắc và chuẩn xác khi viết: “Nhiệt tình của chúng ta đã tạo nên tiếng vang cho người bản xứ có cái nhìn tốt đẹp hơn về người Việt đến Đài Loan sinh sống và làm việc”.

     Trong niềm hân hoan lớn mừng Đại hội Âm nhạc Truyền thống lần thứ VI tại Đài Loan thành công mỹ mãn, các nghệ sĩ không khỏi bùi ngùi, quyến luyến khi phải chia tay những người bạn quý Đài Loan, những nhạc hữu Việt Nam đã từng gặp gỡ, giao lưu, đã cùng hợp tấu, hòa ca. Mọi người cũng không quên biết ơn anh Hai Pham, phu quân của nghệ sĩ Kim Uyên đã công tâm, chịu khó thực hiện nhiều video, hình ảnh trong quá trình diễn ra Đại hội. Những công trình này chắc chắn sẽ thành tư liệu quý của Đại hội.

     Trong bồi hồi tạm biệt, ai cũng hy vọng, mong nguyện được gặp lại nhau trong Đại hội Âm nhạc Truyền thống lần thứ VII mà người đứng đầu Ban tổ chức là Th.S – NS Kim Uyên sẽ cho biết được diễn ra tại một quốc gia nào đó thuộc Châu Âu.

Kính gửi Ban Tổ Chức Đại học Quốc Gia Đài Bắc,  Quý Thầy Cô Kính Mến và các anh chị em .

Diệu Trinh viết thư này để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình qua mấy ngày tuy ngắn  nhưng  tuyệt vời tại Đại Hội Âm nhạc Truyền thống Việt Nam lần thứ 6 diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng 11 năm 2024 tại Đại Học Quốc Gia Đài Bắc. Sự thành công của đại hội lần này chứng minh cho những nỗ lực và tài năng của tất cả những người tham gia.

Đại Hội kéo dài ba ngày,  lịch hoạt động từng giờ cho mỗi ngày đã được kế hoạch tỉ mĩ trước từ ban tổ chức. Có tất cả 2 ngày  trình diễn chính và phụ , tour vòng quanh phân khoa đại học, 5 workshops, 4 seminars, 1 một talk show.  Chúng tôi đã được nhắc nhở, hướng dẫn cặn kẽ về địa điểm, giờ giấc, cách di chuyển cho từng tiết mục.

Cũng như những người tham dự đại hội, tôi rất khâm phục cách tổ chức cho chương trình của Đại Học Quốc Gia Đài Bắc, phân khoa âm nhạc truyền thống.  Đây là lần đầu tiên phái đoàn chúng tôi đến Đài Bắc và đã được chào đón nồng nhiệt.  Các sinh viên đã hướng dẫn đường đi trong khuôn viên phức tạp của ĐHQG , sự hỗ trợ của họ đã giúp chúng tôi hoàn toàn tập trung vào các chương trình đã định trong thời gian ở đây. Từ việc chuẩn bị sân khấu, kết nối âm thanh, sắp xếp ánh sáng, mọi chi tiết đều được kiểm soát rất tỉ mĩ. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt lúc mở màn và kết thúc của các em sinh viên bên trong hậu trường sẽ làm  chúng tôi mãi mãi khắc ghi trong ký ức một biểu tượng tinh thần thân ái tuyệt vời của người dân Đài Loan.

Một khoảnh khắc đặc biệt không thể nào quên là màn trình diễn nhạc cổ truyền Việt Nam  bởi các em sinh viên trẻ Đài Loan trong những chiếc áo dài Việt Nam duyên dáng. Cảnh tượng này đã biến tôi từ một người biểu diễn thành một khán giả say mê, tràn đầy sự ngưỡng mộ và tôi rất trân quý khoảnh khắc đó.

Các màn biểu diễn của  thầy cô rất sôi nổi và lôi cuốn.  Những buổi thuyết trình rất linh động.  Đây cũng là cơ hội cho tôi học hỏi sự chuyên môn của họ trong việc trình diễn, sự đào tạo hiệu quả cho học viên về âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Quỳnh-Nhi, người đã đảm nhận vai trò phiên dịch trong    mấy ngày qua. Sự thông thạo tiếng Việt, tiếng Quan Thoại và tiếng Anh, cùng với khả năng giao tiếp xuất sắc của cô, đã nâng cao bầu không khí quyến rũ của nhạc hội.

Tôi vô cùng tự hào về mọi thứ chúng tôi đã cùng nhau đạt được tại Đại hội âm nhạc lần thứ 6 tại  Đài Bắc.  Điều  này đã truyền cho tôi năng lượng và nhiệt huyết mới. Tôi rất vui khi gặp lại Thầy Cô và các anh chị em  đã tham gia và hy vọng rằng chúng ta sẽ có được những điều tuyệt vời hơn nữa trong tương lai.

 

Trân trọng,

Nguyễn Diệu Trinh

 
Lời hát bài Hành Vân  (nhạc miền Nam)
 
1.   Hội ca  cầm
2.   Hội ca cầm
3.   Ta gặp nhau ngày hôm nay 
4.   Xôn xao xôn xao ríu rít
5.   Ríu rít nói cười xôn xao
6.   Biết bao nhiêu là chuyện
7.   Trao nhau những điều hiểu biết
8.   Bài ca chung bản đàn trao tay
9.   Vui cung đàn hát ca vang rền
10. Biết bao điều bao điều tâm sự
11. Nhớ ơn Thầy, Cô đã dạy khuyên
12. Hội ca cầm
13. Ôi những gì còn chưa trao nhau
14. Ta cùng  _ cùng nhau í a
15. Tiếp bước theo cùng nhau gắng sức
16. Giữ gìn _ vốn cổ của ông 
17. Chữ nhạc _ của nước Việt mình
18. Cùng nhau _ lo chung với nhau
19. Tình nầy tình yêu nhạc Việt Nam
20. Khúc ca tình yêu thương mến
21. Nhớ nhau _ đến hẹn chớ quên.