GIÁO SƯ / PROFESSORS / PROFESSEURS

ĐỖ THỊ PHƯƠNG BẢO

GS Do Thi Phuong Bao

Với gần 60 năm hoạt động nghệ thuật, Giáo sư Phương Bảo (Đỗ Thị Phương Bảo) đã đạt nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực: giảng dạy, biểu diễn, sáng tác và nghiên cứu. Năm 1970 cô đạt 2 Huy Chương Vàng về biểu diễn cho 2 tác phẩm “Bình Minh Trên Rẻo Cao” (st Phương Bảo) và “Khúc Hát Ru” (st Xuân Khải).  Năm 1980, cô đạt 2 Giải Nhất hạng mục sáng tác và biểu diễn cho tác phẩm “Biển”. Năm 1989: đạt giải Diễn tấu Xuất sắc với tác phẩm “Sang Xuân” tại Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc và năm 1997 cô đạt giải Bông Sen Vàng. Giáo sư đã sáng tạo và cống hiến cho ngành Đàn tranh các kỹ thuật mới chưa từng có trước đó, đưa cây đàn tranh cổ lên vị trí độc tấu tại các sân khấu trong và ngoài nước từ thập niên 60 đến nay. Năm 1995 cô đón nhận “Bằng Độc Quyền Sáng Chế” với công trình “Cải Tiến Đàn Tranh” do Bộ Khoa học Công nghệ cấp cho cây đàn tranh mà cô đã dày công nghiên cứu và thiết kế. Năm 2008, cô sáng lập trung tâm âm nhạc Phương Bảo Music, chuyên đào tạo đàn tranh và các loại nhạc cụ với hơn 200 học viên, giảng viên. Các tiết mục biểu diễn của Giáo sư được khán giả ái mộ và hoan nghênh nhiệt liệt tại Việt Nam, Pháp, Ý, Đức, Thụy Sỹ, Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, Albani, Hungary, Arghentina, Nhật, Mỹ, Triều Tiên v.v…


NGUYỄN THỊ NGỌC CHÂU

GS Nguyen Thi Ngoc Chau

Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Châu tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm Nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn khoa Đàn tranh và Ca xướng vào năm 1966. Sau khi tốt nghiệp, Giáo sư tham gia giảng dạy tại Nhạc viện Quốc Gia Sài Gòn hơn 30 năm.  Năm 1989, cô đoạt giải Huy Chương Bạc độc tấu liên hoan ca múa nhạc. Từ năm 2000 đến hiện nay, giáo sư tiếp tục công việc giảng dạy tại Nhạc viện khoa âm nhạc dân tộc.  Các học trò của giáo sư hiện là các nghệ sĩ thành công trong và ngoài nước như: nghệ sĩ Đặng Thị Kim Hiền, nghệ sĩ Ngụy Thị Thương Thương v.v…  và họ cũng đang tiếp nối con đường của giáo sư truyền thụ và phát huy âm nhạc dân tộc. Ngoài công tác giảng dạy truyền đạt ngón đàn của mình cho các thế hệ sau, giáo sư còn chuyên tâm trong công việc sáng tác và chuyển soạn các bản đàn cho cây đàn tranh cũng như các giáo trình sư phạm cho việc giảng dạy đàn tranh. Các tác phẩm tiêu biểu của cô gồm có: trống đệm “Tiếng chày trên sóc Bombo” viết cho Đàn tranh, biến tấu Lý Ngựa Ô, biến tấu theo điệu Lý đêm trăng (độc tấu cho đàn Tranh 22), biến tấu Sakura. Ngoài các hoạt động trên, giáo sư được mời tham gia nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam, Nhật Bản (1970), Canada (1974), Pháp (2004 và 2006).


NGUYỄN NGỌC DUNG

gs-nguyen-ngoc-dung

Giáo sư Ngọc Dung học đàn tranh từ năm lên bảy tuổi, là truyền nhân của giáo sư chuyên về nhạc miền Nam, Phạm Văn Nghi. Sau khi tốt nghiệp tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn, cô được lưu lại làm giảng viên và dạy đàn từ năm 1967-1979. Năm 1963-1965, cô cùng các nghệ sĩ đàn tranh thời bấy giờ là nghệ sĩ Phạm Thúy Hoan, Phương Oanh, và Huỳnh Hạnh lập nên nhóm Hoa Sim, đây là một nhóm nhạc nữ đầu tiên phát động phong trào dân ca âm nhạc đến với giới trẻ, đến các tầng lớp sinh viên, học sinh tại Việt Nam. Năm 1969, giáo sư Ngọc Dung và Phương Oanh theo lời mời của chương trình Dân Vận Quốc Ngoại lưu diễn khắp Châu Âu. Sau khi định cư tại thành phố San Jose tiểu bang California, Hoa Kỳ, vào năm 1969, Giáo sư thành lập đoàn Tiếng Vọng Quê Hương chuyên về phổ biến nhạc cổ truyền miền Nam và được khán giả mộ điệu khắp nơi biết đến qua các chương trình Giổ Tổ Cải Lương và các chương trình gây quỹ giúp người nghèo hằng năm. Năm 2000, đoàn Tiếng Vọng Quê Hương chính thức trở thành một tổ chức phi vụ lợi. Bao nhiêu năm miệt mài với âm nhạc, Giáo sư Ngọc Dung đã đào tạo hàng trăm lớp nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên về nhạc cổ truyền miền Nam.


NGUYỄN MAI

gs-nguyen-thi-mai

Giáo sư Nguyễn Mai là một thành viên trong ban sáng lập và giám đốc của Đoàn Nghệ thuật Lạc Hồng. Giáo sư Nguyễn Mai tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia tại Sài Gòn vào năm 1960, chuyên về đàn 16 dây và việc giáo dục âm nhạc. Giáo sư giảng dạy tại Nhạc viện Quốc gia Sài Gòn, Trường Nghệ thuật Sân khấu và trường Trung học Gia Long cho đến khi rời Việt Nam vào năm 1977. Giáo sư tiếp tục sự nghiệp giảng dạy của mình sau khi chuyển đến Houston. Bà đã thành lập nhóm Hoa Sim, tham gia nhiều lễ hội của cộng đồng người Việt và tham gia Voice of Freedom Radio. Sau khi chuyển đến Orange County, Giáo sư tiếp tục giảng dạy và thành lập một nhóm Hoa Sim khác mà sau này trở thành Đoàn Nghệ thuật Lạc Hồng.


VÕ QUANG PHƯƠNG OANH

gs-vo-quang-phuong-oanh

Tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn năm 1962, cô là giảng viên chính thức tại Nhạc Viện Quốc Gia Cao Đẳng Sài Gòn năm 1963-1975. Cô thành lập nhóm Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc tại Việt Nam năm 1969 và tái lập trường Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc tại Paris năm 1976. Đàn tranh được giảng dạy chính thức tại nhạc viện tỉnh Sevran, Antony và Villepint lần lượt vào các năm 1987, 2000 và 2010 và cũng được Bộ Giáo Dục Pháp công nhận là môn nhiệm ý của kỳ thi tú tài. Cô đã đào tạo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như nghệ sĩ Kim Uyên (giải nhất đàn tranh toàn quốc năm 1984, người sáng lập Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam năm 2011) và các giảng viên đàn tranh tại Pháp như Ngọc Dung, Vân Anh, Jacqueline. Với những cống hiến cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam, cô được trao Huân Chương Vàng Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Á Châu năm 1988 và Huân Chương Công Trạng Hoa Kỳ năm 1994. Năm 1996, Cô nhận bằng giáo sư quốc gia Pháp về âm nhạc truyền thống Việt Nam và giảng dạy tại các nhạc viện tỉnh Antony, Sevran trong hơn 25 năm. Đồng thời, sau nhiều năm miệt mài khảo cứu, Cô đã nghiên cứu thành công cách chuyển hệ thống âm giai ngũ cung để đàn tranh có thể hoà chung với các nhạc cụ Tây phương và có thể áp dụng vào các bản nhạc có nhiều dấu thăng giảm.


NGUYỄN THỊ THANH

GS Nguyen Thi Thanh

Giáo sư Nguyễn Thanh (Nguyễn Thị Thanh) tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội chuyên ngành Đàn Tỳ Bà vào năm 1966-1976. Sau năm 1975, cô chuyển vào Sài Gòn tham gia học tập và Giảng dạy tại Nhạc viện Thành phố. Với danh hiệu Giảng viên xuất sắc tại Nhạc viện Thành phố nhiều năm liền và kinh nghiệm giảng dạy từ năm 1976 đến năm 2012 tại nhạc viện Thành phố, Khoa Âm nhạc Dân tộc, chuyên ngành Đàn Tỳ bà, cô đã đào tạo được nhiều lớp nghệ sỹ thành đạt tại Việt Nam như: Nguyễn Thị Thúy Huỳnh – Giải 3 Độc tấu đàn Tỳ bà tại Liên hoa các Trường âm nhạc chuyên nghiệp; Nguyễn Phương Thùy – Giải khuyến khích trong cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ngoài công tác giảng dạy, Giáo sư Nguyễn Thanh còn là cộng tác viên của Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen cũng như tham gia biểu diễn tại nhiều chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước như chương trình “Gyeongju World Traditional Wind Instruments Festival” tại Hàn Quốc năm 2012. Năm 2016, tham gia dàn dựng và giới thiệu chương trình Chuyên đề Âm nhạc Dân Tộc – “Tiếng Tỳ Bà” cho Đài phát thanh truyền hình HTV.

(*) Tiểu sử các giáo sư / giảng viên được trình bày theo thứ tự abc